Xứ Phù Tang là đất nước mang đậm nét văn hóa truyền thống lâu đời, dù trải qua bao nhiêu thăng trầm của dòng thời gian nhưng nơi đây vẫn giữ nguyên vẹn những văn hóa tinh túy nhất.
Một trong những điều tạo nên nét đẹp văn hóa nơi đây chính là những giai điệu sâu lắng của đàn Koto – nhạc cụ phổ biến nhất Nhật Bản.
Koto hay đôi khi còn gọi là So – là một loại đàn tranh truyền thống Nhật Bản, gần giống với đàn guzheng của Trung Quốc. Đàn Koto được phát minh vào đầu thế kỷ thứ 5, và lần đầu tiên được truyền bá từ Trung Quốc vào Nhật Bản trong khoảng từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 8. Kể từ đó, nhạc cụ này bắt đầu lan rộng và phổ biến trong khắp khu vực Châu Á dưới nhiều tên gọi và hình thức khác nhau, như ở Việt Nam được biết với tên gọi đàn tranh.
Đàn Koto được làm từ gỗ hồng, với kích thước tiêu chuẩn là chiều dài 180cm; đầu nhỏ rộng 15cm và đầu lớn rộng 40cm. Gỗ dùng để sản xuất ra đàn Koto thường là những khối lớn và được xẻ ra thành các tấm gỗ có kích thước khác nhau tùy theo yêu cầu thiết kế. Sau đó sẽ ngâm các tấm gỗ vào hóa chất chống mối mọt, tiếp đến tiến hành uốn cong tấm gỗ thành mặt đàn và mặt sau của ván gỗ uốn cong, người thợ khắc hình zic zac đều nhau thẳng hàng.
Kế tiếp, nung nóng một thanh sắt để đốt cháy mặt đàn, điều này giúp cho đàn khó bị các loại côn trùng phá hoại. Người thợ tiếp tục lấy một tấm gỗ nhẵn khác ốp lên mặt sau của mặt đàn, tiếp theo lấy nẹp gỗ và dây thừng để cố định đàn và dùng giấy ráp để làm nhẵn mặt đàn và phết nước sơn làm bóng mặt đàn. Cuối cùng, đàn sẽ được đục lỗ xỏ dây, gắn cầu đàn, làm nhạn đàn,...
Thông thường, đàn Koto có 13 dây, gồm nhiều loại dây to hay mảnh khác nhau. Dây đàn truyền thống làm từ tơ tằm bện thành dây thừng sợi nhỏ và giống như nhiều đàn dây của Nhật Bản khác được bện từ 4 sợi tơ thành 1 dây đàn. Ngày nay, dây đàn chủ yếu được làm từ polyester, vì làm bằng polyester có độ căng tốt hơn nên âm thanh dài và tốt hơn, lại không sợ bị đứt khi đang diễn tấu, và giá thành cũng thấp hơn rất nhiều. Để hỗ trợ cho người chơi đàn, đồng thời giúp thanh âm phát ra hay hơn, người ta còn thiết kế móng đàn. Người chơi đàn đeo móng đàn vào ba ngón tay cái, trỏ và giữa của bàn tay phải để gảy đàn.
Yatsuhashi Kengyo - Ảnh: museum.net
Âm nhạc đàn Koto không dừng lại ở dạng nguyên lai như thời ban đầu, mà được các nghệ sĩ biến tấu thông qua các tác phẩm âm nhạc khá thành công. Nhưng đặc sắc hơn cả là sự thay đổi giới hạn phối âm của đàn từ sáu âm tiết sang một phong cách hoàn toàn mới của nghệ sĩ tài năng Yatsuhashi Kengyo. Với sự cải biến thành công vang dội đó, ông được mệnh danh là “Cha đẻ của đàn Koto hiện đại”.
Michio Miyagi - Ảnh: miyagikai.gr.jp
Đến đầu thời kỳ Minh Trị (1868 - 1912), âm nhạc phương Tây bắt đầu du nhập vào Nhật Bản. Một trong những nghệ sĩ đã kết hợp âm nhạc truyền thống của đàn Koto với âm nhạc phương Tây thành công và tạo nên tiếng vang thời đó, chính là nghệ sĩ mù Michio Miyagi. Ông không những giúp lưu giữ âm nhạc truyền thống mà bằng sức sáng tạo còn mang đến làn gió âm nhạc mới vào xứ sở mặt trời mọc.
Ngay từ thuở ban đầu, đàn Koto là loại nhạc cụ dành cho giới thượng lưu, được sử dụng trong các bữa yến tiệc trong cung đình, hoàng gia Nhật Bản. Thanh âm du dương, trong trẻo của đàn Koto giúp cho các bữa tiệc trở nên ấm cúng, sang trọng hơn. Ngoài ra, đàn Koto cũng được dùng biểu diễn vào những dịp lễ hội tại Nhật Bản. Dưới nền nhạc đẹp đẽ của tiếng đàn Koto, người người say sưa đu đưa theo nhạc, cùng ngắm hoa anh đào nở rộ. Đây quả thật là một điều khá thú vị mà mỗi người nên thử mỗi khi có dịp tới nơi đây.
Với âm thanh khiến người ta phải đắm chìm trong từng giai điệu, tiếng đàn Koto trở thành tiếng nhạc truyền thống trong văn hóa Nhật Bản. Ngày nay, với nhiều sự cải biến và kết hợp cùng những dòng nhạc hiện đại, tiếng đàn Koto ngày càng thu hút, và đi vào lòng người. Điều này không chỉ giúp lưu giữ những giá trị xưa cũ mà còn làm mới mẻ nền nhạc cụ của Nhật Bản.
bởi Cam ✧ ⋆。˚ ୨୧ vào | 803 lượt xem