Trang Phục Truyền Thống Việt Nam Đâu Chỉ Có Áo Dài!

Trang phục truyền thống Việt Nam đâu chỉ có áo dài!

Khi nhắc đến trang phục truyền thống nước ta, nhiều bạn chỉ nghĩ đến áo dài và biết mỗi áo dài. Tuy nhiên, cổ phục Việt không chỉ có vậy mà cả một kho tàng với nhiều loại trang phục khác. Trải qua mỗi triều đại phong kiến trong lịch sử chúng ta đều có những bộ trang phục mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc từng thời kỳ. Nổi bật trong số đó là cổ phục thời nhà Nguyễn: áo Nhật Bình và áo Tấc.

Áo Nhật Bình là trang phục của Hoàng tộc, là thường phục của Hoàng Hậu, Phi tần và Công chúa. Áo Nhật Bình là kiểu áo đối khâm, có cổ hình chữ nhật to bản chạy dọc từ cổ đến ngực. Hai vạt áo sẽ được dùng dây buộc lại. Cổ phục này có tên là “Nhật Bình” bởi hoa văn ở cổ áo khi ghép lại tạo thành một hình chữ nhật ngay trước ngực. Sau thời nhà Nguyễn, bộ áo này trở thành trang phục giới quý tộc mặc vào những dịp quan trọng.

áo nhật bình cổ phục triều nguyễn
Cổ phục triều Nguyễn: áo Nhật Bình

Còn áo Tấc là loại lễ phục trang trọng thời Nguyễn thường được sử dụng trong các dịp trọng đại như kết hôn, lễ tết, tang lễ… Đây là loại trang phục phổ biến từ dân thường cho đến quan lại, vua chúa đều mặc vào thời Nguyễn. Loại áo này thường gồm một áo ngũ thân dài quá đầu gối với tay thụng dài bằng gấu (vì vậy còn được gọi là áo lễ hay áo ngũ thân), cài khuy bên phải, áo lót bên trong màu trắng. Mặc cùng với quần dài trắng và khăn vấn.

áo tấccổ phục việt
Cái tên “áo tấc” xuất phát từ phần viền áo rộng đúng 1 tấc (4 cm)
áo tấc nam
Áo tấc nam không có gì khác biệt so với nữ, cũng tay áo thụng, cổ áo cài khuy bên phải và vấn khăn trên đầu

Ngoài ra còn có rất nhiều những bộ cổ phục khác như:

  • Áo đối khâm (thời nhà Lý – Trần): Đây là cổ phục có hai vạt áo song song với nhau, được xẻ tà hai bên và thường dài đến chân váy của người mặc. Người ta sẽ mặc buông thõng hoặc dùng để làm áo khoác bên ngoài, do đó chúng ta có thể nhìn thấy được những lớp áo từ bên trong.
áo đối khâm
Áo đối khâm thường được phối theo một bảng màu nhất định mà màu nổi sẽ mặc bên ngoài, các lớp bên trong màu nhạt hơn và trong cùng là áo trắng
  • Áo giao lĩnh (thời Lý – Trần – Lê): Loại áo này có phần cổ giao nhau ở trước ngực, vạt trái đè lên vạt phải, tay áo chủ yếu là loại tay thụng và tay hẹp. Áo giao lĩnh có nhiều nét khá giống với trang phục cổ truyền của Trung Quốc hay Nhật Bản. Tuy nhiên, điểm khác biệt rõ nhất là hai vạt váy trong và ngoài không bằng nhau. Đây cũng chính là một trong những bản sắc của cổ phục Việt Nam.
áo giao lĩnh
Áo giao lĩnh còn có tên gọi khác là trường lĩnh tràng vạt hay đối lĩnh
  • Áo ngũ thân (thời nhà Nguyễn sau năm 1744): Loại áo này khá đơn giản với 4 vạt chính và 1 vạt phụ, có cổ đứng, cài khuy bên phải, tay áo hẹp kết hợp với áo lót trắng bên trong và quần dài. Áo ngũ thân có màu sắc nhã nhặn, không có diềm cổ hay diềm tay áo.
áo ngũ thân cổ phục việt nam
Áo ngũ thân có 5 phần với 4 vạt chính và 1 vạt phụ, tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, một thân con (nhỏ nhất, nằm trong) tượng trưng cho mình (người mặc).
cổ phục Việt 5
Áo ngũ thân nam với màu sắc tông trầm, hoạ tiết đơn giản.
  • Áo tứ thân (đầu thế kỷ 20): Đây là loại trang phục hàng ngày của người dân Việt Nam xưa. Áo tứ thân gồm hai vạt, bốn tà, dài từ cổ buông xuống dưới đầu gối chừng 20 cm. Áo có hai vạt trước và sau. Vạt trước tách thành 2 tà theo chiều dài. Vạt sau cũng tách làm 2 tà nhưng được khâu vào với nhau hình thành một đường dài gọi là sống áo. Áo này không có khuy, dài và có hai tay áo để xỏ vào khi mặc. Bên trong, con gái mặc yếm, rồi đến chiếc áo cánh mỏng màu trắng tinh và cuối cùng mới là chiếc áo tứ thân khoác bên ngoài.
Trang phục truyền thống Việt Nam
Áo tứ thân là trang phục ngày thường của người dân lao động

Cổ phục Việt đâu chỉ có áo dài. Đúng vậy, nếu chịu khó tìm hiểu một chút hoặc tham gia những group về cổ phục trên Facebook hẳn bạn sẽ bất ngờ trước kho tàng cổ phục Việt. 

bởi Lê Thị Kim Trúc vào | 1654 lượt xem

Có thể bạn muốn xem