Cấp độ Gundam với người chơi lâu, có kinh nghiệm đơn giản như ăn kẹo, nhưng với người mới thì nghe khá "lùng bùng". Các bạn khi mua Gunpla sẽ có thêm tham khảo để chọn cho mình dòng sản phẩm phù hợp. Bài viết này sẽ giúp bạn phân biệt các cấp độ Gundam, mọi thứ cần biết về Grade và Scale của Gunpla nào.
CẤP ĐỘ GUNDAM LÀ GÌ?
Các cấp độ Gundam là cách Bandai các mô hình Gundam của mình thành những dòng sản phẩm nhỏ hơn. Mỗi cấp độ tương ứng với các đặc tính của mô hình như độ chi tiết, số lượng runner, part, độ khó khi lắp ráp... Qua đó, người mua có thể hình dung được mẫu nào vừa sức với mình. Bạn có thể tưởng tượng như ta đang chọn độ khó khi chơi game cho dễ hình dung.
TỶ LỆ GUNDAM LÀ GÌ?
Tỷ lệ Gundam cho biết kích thước của mô hình sau khi ráp xong sẽ cao, lớn bao nhiêu. Tỷ lệ này được tính theo kích thước thực tế của Gundam khi nó được thiết kế xuất hiện trong phim, truyện. Chẳng hạn như một Gundam trong phim cao 18m, thì bộ mô hình tỷ lệ 1:100 của nó sẽ có chiều cao là 18cm.
5 CẤP ĐỘ GUNDAM CHÍNH
HIGH GRADE (HG)
- Tỷ lệ phổ biến: 1:144 (có cả 1:100 nhưng rất ít)
- Độ cao mô hình sau khi hoàn thiện: khoảng 12-13 cm
- Số lượng Runner: khoảng 6-8
- Độ khó: trung bình
Cấp độ Gundam HG (High Grade) được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1990. Có thể coi HG là cấp độ Gundam tiêu chuẩn và cơ bản nhất, dùng để so sánh với các cấp độ gundam khác. Độ khó mô hình, số lượng chi tiết vừa phải. Bạn có thể ráp xong một mẫu Gunpla HG trong khoảng một hoặc vài tiếng đồng hồ tùy vào sự chăm chút của mình.
Gundam HG cũng là loại sản phẩm có nhiều mẫu mã nhất, số lượng cực kỳ phong phú. Thậm chí, Bandai còn phải chia nó thành nhiều nhánh phụ để dễ quản lý. Nếu để ý, các bạn hay thấy Gundam HG thường có thêm tên series phim, hoặc timeline phía sau. Chẳng hạn như HGUC (High Grade Universal Century), HGBD (High Grade Build Divers), HGGO (High Grade Gundam The Origin), ... Trong số đó, đông đảo nhất là HGUC.
REAL GRADE (RG)
- Tỷ lệ phổ biến: 1:144
- Độ cao mô hình sau khi hoàn thiện: khoảng 12-13 cm
- Số lượng Runner: khoảng 9-10
- Độ khó: cao
Cấp độ Gundam RG (Real Grade) xuất hiện từ năm 2010, là một phần của đợt kỷ niệm 30 năm Gundam. Nó học tập nhiều yếu tố thiết kế của hai dòng Master Grade và Perfect Grade, chẳng hạn như khung xương bên trong, nên có dáng rất đẹp, biên độ cử động cũng tốt hơn HG dù cùng tỷ lệ. Cấp độ Gundam RG có nhiều chi tiết nhỏ so với các cấp độ gundam khác, sẽ cần đòi hỏi đến sự kiên nhẫn của bạn khi lắp ráp, đặc biệt là công đoạn dán decal.
MASTER GRADE (MG)
- Tỷ lệ phổ biến: 1:100
- Độ cao mô hình sau khi hoàn thiện: khoảng 18-20 cm
- Số lượng Runner: khoảng 15-17
- Độ khó: cao
Một trong các cấp độ gundam tiếp theo bạn nên thử khi đã ráp quen là Master Grade (MG). Dòng sản phẩm này ra mắt từ năm 1995. Kích thước lớn hơn (tỷ lệ 1:100) cho phép Bandai đưa nhiều chi tiết hơn vào các mẫu Gundam MG. Nhờ có khung xương bên trong, Gunpla MG chuyển động với biên độ rộng, tạo được nhiều thế đẹp mắt. Tất nhiên vì vậy mà giá thành của các mẫu MG cũng cao hơn HG nhiều. Bên cạnh đó, các dạng decal khác như decal cà, decal nước cũng bắt đầu xuất hiện ở dòng sản phẩm này, mang lại hiệu ứng sắc sảo hơn cho mô hình.
Tháng 7-2020, Bandai đã công bố thêm thương hiệu Gundam Master Grade Extreme (viết tắt là MGEX). Đây là một nhánh mô hình cao cấp của Gundam MG với nhiều cải tiến mới.
PERFECT GRADE (PG)
- Tỷ lệ phổ biến: 1:60
- Độ cao mô hình sau khi hoàn thiện: khoảng 30-32 cm
- Số lượng Runner: khoảng 22-24
- Độ khó: rất cao
Được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1998, Perfect Grade (PG) là một trong những dòng sản phẩm đắt giá nhất của Bandai. Những mô hình Gundam PG khi hoàn thiện cao lớn và siêu đẹp. Nó sở hữu số lượng chi tiết nhiều nhất trong các cấp độ gundam cần lắp ráp. Nhiều mẫu có kèm cả các bộ phận kim loại và đèn LED. Tất nhiên, mọi mẫu PG đều có khung xương.
Cấp độ Gundam PG sẽ mang tới cho bạn thử thách thực sự khi chơi bởi sự phức tạp trong kết cấu, đòi hỏi nhiều thời gian hoàn thiện (vài ngày, thậm chí vài tuần). Bù lại, thành phẩm có thể coi là đẹp nhất trong các dòng Gunpla truyền thống, chi tiết từ trong ra ngoài, biên độ cử động cũng rộng hơn. Để thiết kế nên một mẫu PG cũng tốn nhiều công sức hơn, nên số lượng mẫu PG không nhiều, chỉ các Gundam nổi tiếng mới được chọn để sản xuất.
SUPER DEFORMED (SD)
- Không có tỷ lệ
- Độ cao mô hình sau khi hoàn thiện: khoảng 8-10 cm
- Số lượng Runner: khoảng 4-6
- Độ khó: thấp
Gundam SD là thể loại Gundam có thiết kế khác biệt. Như tên gọi "Super-Deformed" của nó hàm ý các mẫu Gundam này được biến đổi cho dễ thương hơn với phần đầu lớn và cơ thể, chân tay ngắn lại. Bạn có thể liên hệ chúng với kiểu thiết kế Chibi của Nhật để dễ hình dung hơn.
Cấp độ Gundam SD rất dễ lắp ráp vì có lượng part ít, độ lớn của mỗi part cũng vừa phải (không có part quá nhỏ). Vì cấu tạo chân tay ngắn nên biên độ chuyển động của Gundam SD khá kém, những tư thế như quỳ gối, vòng tay qua vai phía sau lưng hầu như không làm được. Độ chi tiết cũng ít hơn so với HG.
Về độ phổ biến, Gundam SD cũng có rất nhiều mẫu mã, và thành công lớn nhờ vào sự dễ thương của mình. Thậm chí, thể loại này còn có các dòng sản phẩm và mẫu thiết kế của riêng mình, không xuất hiện ở các cấp độ Gundam khác.
LẰN RANH NGÀY CÀNG MỜ GIỮA CÁC CẤP ĐỘ GUNDAM
Nhờ sự phát triển của công nghệ và kỹ thuật sản xuất, sự khác biệt giữa các cấp độ Gundam ngày một giảm xuống. Chẳng hạn như khung xương trước kia chỉ có các mẫu MG, PG mới đủ lớn để đưa vào. Nhưng sau đó, nó đã xuất hiện trong RG, thậm chí là một số dòng HG, SD. Tất nhiên, độ chi tiết của khung xương vẫn chưa thể như MG, PG được.
Giờ đây các dòng HG thế hệ mới được sản xuất với chất liệu nhựa và nhiều màu sắc không thua kém cấp độ cao cấp hơn là mấy. Biên độ cử động của khớp cũng liên tục được cải tiến, thách thức các tư thế khó nhằn như gập sát gối, dạng chân, bẻ vai...
MỘT SỐ CẤP ĐỘ PHỤ KHÁC
FIRST GRADE (FG) (ĐÃ NGỪNG SẢN XUẤT)
Cấp độ Gundam First Grade xuất hiện từ năm 1999, là một phần trong Gundam 20th Anniversary Big Bang Project theo kiểu làm lại các mẫu tỷ lệ 1:144 từ thời cổ (năm 1980). Các bộ mô hình này có độ chi tiết rất thấp, ít màu, khuỷu tay chân không có khớp.
NON GRADE (NG)
Các bộ mô hình không phân cấp độ dạng này chủ yếu là những mẫu cổ, thậm chí từ thời kỳ chưa có kiểu ráp bấm khớp, tức là bạn phải dùng keo dán để gắn part lại với nhau. Màu sắc cũng cực kỳ hạn chế. Hiện nay, chúng lâu lâu vẫn được Bandai tái bản lại vì nhu cầu người chơi lâu năm mua để sưu tập, kỷ niệm.
ADVANCED GRADE (AG) (ĐÃ NGỪNG SẢN XUẤT)
Cấp độ Advanced Grade được giới thiệu vào năm 2011, dành cho series Mobile Suit Gundam AGE. Điểm đặc biệt của các mô hình này là nó có gắn chip nhỏ bên trong, kết nối được với máy game thùng về Gundam AGE. Đáng tiếc tuổi đời của nó không được dài lâu. Các mẫu mô hình cũng rất hạn chế trong việc tạo dáng (thiếu khớp chuyển động so với các dòng thông dụng).
ENTRY GRADE (EG) (VỪA ĐƯỢC PHÁT TRIỂN LẠI)
Cấp độ Gundam Entry Grade là tên cho các mẫu mô hình Gundam tỷ lệ 1:144 có lượng chi tiết đơn giản, được sản xuất ở Trung Quốc năm 2011 hướng đến thị trường Châu Á. Nó có nhiều điểm tương đồng với First Grade và Non Grade tỷ lệ 1:144 ở phần chỉ giới hạn 3 màu part và không có khớp polycap (khớp nhựa mềm). Dòng sản phẩm này sau đó không thành công và đã bị khai tử.
Đến năm 2020, Bandai quyết định hồi sinh Entry Grade với những tiêu chuẩn, đặc tính mới rất hấp dẫn. Cấp độ Gundam này là một trong các cấp độ gundam đầy hứa hẹn sẽ thu hút được nhiều người đến với thể loại chơi mô hình lắp ráp hơn.
MEGA SIZE MODEL
Cấp độ Gundam Mega Size sở hữu tỷ lệ 1:48 nên thậm chí còn cao to hơn cả PG. Một mẫu Gundam Mega Size hoàn thiện dễ dàng cao đến gần 40cm. Tuy vậy, phần chi tiết của dòng sản phẩm này chỉ ngang ngửa, hoặc thấp hơn HG một chút chứ không có được sự chi tiết kinh hoàng của PG.
REBORN-ONE HUNDRED (RE/100)
Dòng sản phẩm Reborn-One Hundred (RE/100) ra đời vào năm 2014, chủ yếu để mang lại cơ hội cho các mẫu Mobile Suit ít nổi tiếng hơn được làm thành mô hình tỷ lệ lớn (1:100). Cấp độ Gundam này không có phần khung xương bên trong và độ chi tiết cũng không sánh bằng MG, nhưng lại có biên độ chuyển động ngang hoặc hơn HG tỷ lệ 1:144.
MỘT SỐ SERIES MÔ HÌNH GUNDAM KHÁC
ROBOT DAMASHII - THE ROBOT SPIRITS
Một dòng sản phẩm action figure của Bandai, trong đó có cả Gundam (dưới nhánh phụ tên Side MS). Các mẫu mô hình này được lắp ráp và sơn phết sẵn, có thể chuyển động nhờ các khớp trên cơ thể. Chúng không có tỷ lệ cố định, độ cao khoảng ngang HG.
Trong thương hiệu The Robot Spirits còn có nhiều dòng sản phẩm nhỏ hơn, phân chia tùy theo tính chất mô hình. Một trong các dòng hay được người chơi Gundam nhắc đến là Metal Build. Các mẫu Metal Build có thêm chi tiết kim loại, sơn và hoàn thiện rất tốt, thiết kế đẹp mắt. Tất nhiên giá tiền cũng cao hơn.
HI-RESOLUTION MODEL
Hi-Resolution Model có phần phần khung xương đã hoàn thiện nguyên khối, và đi kèm các part đã tách lẻ bên ngoài để bạn gắn lên. Những mô hình này có sử dụng part kim loại và độ chi tiết rất cao, đẹp mắt, là một trong các dạng mô hình cao cấp.
HAROPLA
Loạt mô hình lắp ráp chuyên về Haro trong Gundam.
FIGURE RISE
Một nhánh phụ của mô hình lắp ráp Gundam, độ chi tiết ngang ngửa cấp độ Gundam HG, không có tỷ lệ cố định, thường làm về các mẫu nhân vật người trong Gundam.
CÁC LOẠI MÔ HÌNH NHỎ, CANDY TOY
Bandai còn tung ra rất nhiều dòng sản phẩm khác về mô hình Gundam. Phổ biến có thể kể đến những chủng loại như như trứng Gundam (gashapon - mô hình nhỏ mua ngẫu nhiên), dòng Gundam Converge, Gundam G Frame... Rất nhiều thương hiệu mới liên tục ra mắt.
bởi Quốc Cường vào | 2020 lượt xem